Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Công nghệ chế tạo máy: Các loại mối ghép trong Cơ khí: Phân loại, Đặc điểm và Ứng dụng- [congnghehcv]

Các loại mối ghép trong Cơ khí

Các kết cấu cơ khí đều được tạo ra từ nhiều bộ phận, gồm những chi tiết khác nhau. Các bộ phận, chi tiết này được ghép, lắp ráp với nhau thông qua các mối ghép theo những yêu cầu kỹ thuật nhất định. Theo yêu cầu sử dụng, lắp ráp hay chế độ làm việc của thiết bị mà có nhiều loại mối ghép khác nhau; thông thường người ta chia mối ghép thành hai loại thông dụng là mối ghép tháo được mối ghép không tháo được.

- Mối ghép tháo được: Là mối ghép sử dụng các bề mặt định hình (REN), hoặc các chi tiết ghép (THEN, CHỐT) để ghép các chi tiết máy lại với nhau, khi cần có thể tháo và tách chúng ra mà không cần phải phá hỏng mối ghép.

- Mối ghép không tháo được: Là mối ghép lợi dụng sự nóng chảy kim loại vùng cần ghép (HÀN) để ghép các chi tiết máy, hoặc dùng các chi tiết ghép (ĐINH TÁN) để nối ghép các chi tiết máy thành cơ cấu … Khi cần tháo mối ghép loại này, chúng ta phải phá hỏng mối ghép.

Ở bài viết này, hãy cùng CongNgheHCV tìm hiểu về các loại mối ghép trong Cơ khí nhé!

  1. Mối ghép ren

Mối ghép ren là gì?

- Ghép bằng ren được dùng khá phổ biến trong ngành chế tạo máy. Trên 60% tổng số chi tiết máy được ghép bằng ren trong các máy móc hiện đại. Đây là loại mối ghép tháo được, các bạn nhé.

- Mối ghép ren được sử dụng phổ biến vì có những ưu điểm:

  • Cấu tạo đơn giản, 
  • Có thể tạo lực dọc trục đơn giản, 
  • Có thể cố định các chi tiết ghép ở bất cứ vị trí nào nhờ vào khả năng tự hãm, 
  • Dễ tháo lắp, giá thành thấp do được tiêu chuẩn hóa;
  • Chế tạo bằng phương pháp có năng suất cao.

- Nhược điểm chủ yếu của mối ghép ren là tập trung ứng suất tại chân ren, do đó giảm độ bền mỏi của mối ghép.

Có những loại ren nào?

Các loại ren thường gặp

Ren trái và ren phải

Ren trong và ren ngoài

Ren hệ met (M)

Xem thêm bài viết liên quan:

  1. Mối ghép then

Đặc điểm của mối ghép then

- Ưu điểm của Mối ghép then: Cấu tạo đơn giản, dễ tháo lắp và thay thế.

- Nhược điểm Mối ghép then: Khả năng chịu lực kém.

- Ứng dụng của Mối ghép then: Thường sử dụng lắp ghép giữa trục với bánh đai, bánh răng, đĩa xích … để truyền tải trọng và mô men xoắn.

Có những loại mối ghép then nào?

Mối ghép then có các loại: then bằng, then bán nguyệt, then vát, then hoa.

+ Mối ghép then bằng, then bán nguyệt: Là mối ghép trượt và có thể điều chỉnh vị trí, dùng trong các cơ cấu có tải trọng nhỏ và truyền mô men tương đối nhỏ.

Mối ghép then bằng

Mối ghép then bán nguyệt

+ Mối ghép then vát: Là mối ghép chặt (được đóng chặt vào rãnh trên trục và lỗ), thường dùng trong các cơ cấu có tải trọng tương đối lớn.

+ Mối ghép then hoa: Được dùng phổ biến trong chế tạo máy, có thể di chuyển dọc trục và truyền được mô men xoắn lớn và rất lớn.

  1. Mối ghép chốt

Mối ghép chốt dùng khi nào?

Chốt dùng để lắp ghép hay định vị các chi tiết với nhau. Người ta có thể dùng nhiều loại chốt, chẳng hạn như: chốt trám, chốt trụ, chốt côn, ...

- Ưu điểm khi dùng Mối ghép chốt là: Cấu tạo đơn giản, dễ tháo lắp và thay thế.

- Khi dùng Mối ghép chốt có nhược điểm: Khả năng chịu lực tương đối kém.

- Ứng dụng Mối ghép chốt ở đâu?

Mối ghép chốt thường sử dụng để lắp ghép các bề mặt, cũng được dùng để định vị các chi tiết với nhau hoặc định vị chi tiết trong gia công. Để đảm bảo độ chính xác khi lắp ghép, trong trường hợp định vị, người ta khoan đồng thời các lỗ trên các chi tiết bị ghép.

Chốt gồm có hai loại: Chốt trụ và chốt côn. Chốt côn có độ côn thường là 1:50. Đường kính của chốt trụ và đường kính đáy bé của chốt côn là đường kính danh nghĩa của chốt. Chốt là chi tiết tiêu chuẩn, kích thước của chúng dược quy định trong TCVN 2041 86 và TCVN 2042-86.

  1. Mối ghép hàn

Trước tiên, ta cần nhớ: Hàn là mối ghép không tháo được.

Hàn là một quá trình công nghệ ghép các chi tiết máy lại với nhau bằng cách nung phần tiếp giáp của chúng đến trạng thái nóng chảy (hàn nóng chảy), hoặc nung phần tiếp xúc giữa chúng đến trạng thái dẻo và ép lại với nhau (hàn áp lực). Sau khi nguội, lực liên kết phân tử ở chỗ tiếp xúc sẽ không cho chúng tách rời nhau.

- Ưu điểm của Mối ghép hàn: Tiết kiệm kim loại, khối lượng mối ghép nhỏ hơn so với các phương pháp ghép khác, cho năng suất cao với giá thành thấp, đảm bảo mối ghép kín.

- Nhược điểm của Mối ghép hàn: Chi tiết bị biến dạng và tồn tại ứng suất dư sau khi hàn, chịu tải trọng động và tải trọng va đập kém, chất lượng mối hàn phụ thuộc nhiều vào tay nghề người thợ hàn.

- Ứng dụng của Mối ghép hàn: Được sử dụng phổ biến trong ngành chế tạo máy như hàn nồi hơi, hàn tàu, hàn bể chứa … Ngoài ra còn được sử dụng trong các lĩnh vực như xây dựng, sửa chữa đóng mới ô tô …

Mối hàn giáp mối

Mối hàn chồng

 

Mối hàn góc

Đề xuất liên quan:

  1. Mối ghép đinh tán

Mối ghép đinh tán là gì?

Mối ghép đinh tán là mối ghép cố định và không thể tháo được. Mối ghép gồm hai hay nhiều chi tiết ghép (thường ở dạng tấm) (chi tiết 1 và 2 ở hình dưới đây) và được ghép chặt với nhau nhờ đinh tán hay còn gọi là rive - Chi tiết số 3 trên hình minh họa). 

Đinh tán là gì?

Đinh tán là một thanh hình trụ tròn có mũ; một mũ được chế tạo sẵn được gọi là mũ sẵn, một mũ được tạo nên khi tán đinh vào mối ghép được gọi là mũ tán.

- Ưu điểm của Mối ghép đinh tán: Mối ghép có độ ổn định và chắc chắn cao, chịu được tải trọng rung động lớn, ít gây hư hỏng mối ghép khi tháo lắp.

- Nhược điểm của Mối ghép đinh tán: Hao tốn nhiều kim loại, giá thành cao, hình dáng và kết cấu mối ghép cồng kềnh.

- Ứng dụng Mối ghép đinh tán: Sử dụng cho các mối ghép làm bằng vật liệu không hàn được hoặc khó hàn chịu lực lớn, chịu tải động động và va đập tốt, mối ghép đòi hỏi độ chắc chắn và ổn định kết cấu cao (trong các công trình xây dựng, cầu, trục, khung giàn, bình chịu áp lực …)

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về các loại mối ghép trong Cơ khí, hi vọng sẽ hữu ích cho quá trình nghiên cứu Công nghệ chế tạo máy. Bạn có trao đổi gì về vấn đề này, hãy comment nha. Hẹn gặp lại bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hãy bình luận bằng tiếng Việt có dấu và Luôn tôn trọng người dùng khác, bạn nhé.

Được xem nhiều nhất All