Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Công nghệ chế tạo máy: Máy phay - Đặc điểm, Khả năng công nghệ, cách phân loại máy phay vạn năng - Blog Công nghệ HCV - Gia công phay

Cùng với máy Tiện (Lathe), máy Phay (Mill) là một máy công cụ cắt gọt thông dụng và hiệu quả trong gia công cắt gọt. Hãy cùng Blog Công nghệ HCV  tìm hiểu về Đặc điểm, khả năng công nghệ của phương  pháp phay và phân loại máy phay nhé.

Tải file bài viết này Nếu cần, bạn có thể tham khảo  Cách tải file tài liệu trên Blog Công Nghệ HCV về máy tính tại đây nhé.

Tìm hiểu chung về Máy phay vạn năng

1.  Đặc điểm của phương pháp phay

Phay là một phương pháp gia công cắt gọt kim loại có năng suất cao, làm được nhiều việc khác nhau đạt độ chính xác cấp 2, độ nhám bề mặt cấp 6 do đó  được sử dụng rộng rãi trong ngành chế tạo máy. Trong tổng khối lượng công việc gia công cắt gọt, phay chiếm trên 10%. Riêng về gia công mặt phẳng, phay là phương pháp có năng suất cắt gọt cao và ngày càng được sử dụng nhiều, có khả năng thay thế hoàn toàn cho phương pháp bào. 

 Dao phay (Tool) thuộc loại dụng cụ cắt dạng trụ có nhiều răng (răng ở mặt trụ hoặc ở mặt đầu). Mỗi răng dao thực chất là một con dao đơn giản (dao tiện) nằm theo hướng kính (hình 1. 1) 

một số loại  Dao phay trụ - Dao phay ngón - Blog công nghệ HCV

Một số loại Dao phay trụ, dao phay ngón

Chuyển động quay tròn của dao phay là chuyển động chính. Chuyển động thẳng của phôi theo các phương dọc, ngang, lên xuống là chuyển động chạy dao. Chuyển động chạy dao theo ba phương này độc lập với nhau và cũng có thể điều khiển phối hợp bằng tay khi cần. Ngoài ra có trường hợp phôi quay tròn tại chỗ hoặc vừa quay vừa chuyển động thẳng với tỷ lệ được tính toán. Khi làm việc từng răng dao lần lượt thay nhau cắt gọt trong một thời gian rất ngắn sau đó được làm mát trong một thời gian dài ở ngoài không khí (thường được tưới dung dịch trơn nguội) nhờ vậy dao rất lâu mòn, có thể làm việc trong các điều kiện cắt gọt khó khăn (tốc độ cắt cao, lượng chạy dao lớn, cắt phoi dày, cắt không tưới). 

 Cũng do cách cắt gọt bằng dao nhiều răng nên phoi đứt đoạn, đảm bảo an toàn cho người thợ hơn là khi cắt ra phoi dây. 

Trong khi bào, xọc bắt buộc phải có hành trình chạy không (không cắt gọt khi lùi dao) thì trên máy phay có thể tận dụng khả năng cắt gọt cả hành trình trở về nhờ đó năng suất lao động cao. Trên máy phay còn có điều kiện thuận lợi để áp dụng các phương pháp làm việc tiên tiến giảm thời gian phụ và giảm cả thời gian máy (ví dụ phay đồng thời nhiều chi tiết, phay đồng thời nhiều dao phay tự động. . . ) 

  Nhược điểm khá quan trọng của công nghệ phay là xét ở từng răng dao thì điều kiện do lực cắt lớn vì lưỡi cắt thường xuyên bị va đập vào bề mặt phôi, do đó, dễ gây sứt mẻ dao. Máy cũng chịu ảnh hưởng xấu của tình hình lực cắt và công suất  tiêu thụ thay đổi từng lúc khác nhau. 

Quá trình cắt khi phay

Hình 1. 1 Quá trình cắt khi phay

Trong phương pháp phay thông thường (phay  nghịch). Lưỡi dao tì trượt một quãng trên bề mặt đang gia công rồi mới cắt thành phoi, do đó dao mau mòn, mau nóng (giảm tính năng cắt gọt). Đồng thời làm chai cứng bề mặt gia công gây khó khăn cho việc cắt gọt của các răng sau. 

Một nhược điểm nữa của dao phay là phí tổn sản xuất tương đối cao vì máy cũng như dao phay thường có cấu tạo phức tạp, giá thành cao. 

Để phát huy các ưu điểm và hạn chế các nhược điểm nói trên, cần có những cải tiến máy phay, về dao phay, đồ gá và áp dụng các phương pháp phay tiên tiến. 

Xem thêm các bài viết thuộc chủ đề Công nghệ chế tạo máy có liên quan đến máy phay:

Trên máy phay có thể gia công các dạng mặt phẳng và các dạng mặt cong. Với kiểu máy, kiểu dao, cách gá lắp và các phương pháp thao tác khác nhau trên máy phay có thể làm được các việc cơ bản sau đây:

  • Gia công mặt phẳng: Mặt phẳng ngang, mặt bậc, mặt phẳng nghiêng. 

  • Gia công rãnh: rãnh thẳng thông suốt hoặc không thông suốt, rãnh xoắn, rãnh xoắn ốc, rãnh then hoa. 

  • Gia công các mặt cong phức tạp (mặt ngoài và trong lỗ) ví dụ các dạng cam, khuôn rèn dập. v. v. 

  • Gia công mặt tròn xoay (ngoài và trong lỗ) tương tự như khi tiện, khoan, doa. 

  • Chia độ: chia vòng tròn, chia đoạn thẳng ra các phần đều nhau hoặc có trị số góc nhất định. 

  • Phay cắt đứt (như cưa đĩa) 

  • Gia công các dạng răng của bánh răng: Răng thẳng, răng nghiêng, răng chữ V, răng trên bánh răng côn, răng đĩa chạy xích, thanh răng, trục vít- bánh vít, răng của dụng cụ cắt, răng ly hợp v. v. 

Với các điều kiện gia công tốt, độ chính xác gia công đạt được cấp 2 và độ nhám bề mặt có thể đạt được cấp 6 (với phương pháp phay tinh có thể đạt được  cấp 7). 

Trong sản xuất lớn, xu hướng chung là chia nhỏ nguyên công, trong đó mỗi máy chỉ thực hiện một việc nhất định, nhờ  vậy năng suất rất cao và không đòi hỏi người thợ phải thành thạo nhiều việc. Những máy đó có cấu tạo đơn giản, rất dễ thao tác cũng như bảo dưỡng. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất nhỏ và sửa chữa thì máy phay thông dụng nhất là máy phay vạn năng phải đảm đương hầu hết các việc cơ bản kể trên. Tình hình đó đòi hỏi người thợ phay phải tinh thông nghề nghiệp với tính chất vạn năng sáng tạo và tháo vát trong công việc. 

Người thợ phay lành nghề còn cần biết vận hành thành thạo các loại máy có đặc điểm công dụng tương tự như máy doa (đặc biệt là máy doa ngang), máy khoan, máy bào, máy xọc. 

Vì vậy, bạn hãy tìm đến cơ sở đào tạo nghề gia công cơ khí uy tín để học nghề phay nhé. Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách ghi ký hiệu của máy phay. 

3. Ký hiệu Máy phay

Theo quy định của một số nước (Nga, Việt nam. . . . ) Các loại máy cắt kim loại được chia thành  9 nhóm, căn cứ vào đặc tính của chuyển động chính, sự phân công hoạt động giữa chuyển động chính và chuyển động chạy dao và dạng dụng cụ cắt. 

Trong mỗi nhóm máy lại bao gồm nhiều dạng máy có cùng đặc tính kết cấu và công nghệ cũng như trình độ vạn năng. Mỗi dạng máy lại chia ra các cỡ máy lớn, nhỏ khác nhau.

Theo ký hiệu của Nga, số đầu tiên chỉ nhóm máy, bao gồm: 

  1: chỉ nhóm máy tiện

  2: chỉ nhóm máy khoan và doa

  3: chỉ nhóm máy mài. 

  4: chỉ nhóm máy liên hợp

  5: chỉ nhóm máy gia công răng

  6: chỉ nhóm máy phay 

  7: chỉ nhóm máy bào- xọc

  8: chỉ nhóm máy cắt

  9: các loại máy khác

Theo ký hiệu Máy phay kiểu Việt Nam, chữ cái đầu trên chỉ nhóm máy:

 T: chỉ nhóm máy tiện

 P: chỉ nhóm máy phay 

 B: chỉ nhóm máy bào

 K: chỉ nhóm máy khoan

 D: nhóm máy doa

 M: nhóm máy mài

 C: nhóm máy cưa cắt 

Số thứ hai của ký hiệu chỉ kiểu máy, số thứ ba đặc trưng cho kích thước của máy. Trong nhiều trường hợp giữa số thứ nhất và số thứ hai có thêm chữ cái tiếng Nga. Chữ cái đó cho biết là máy đã được cải tiến hoặc cải biên. Đôi khi chữ cái được ghi ở cuối của ký hiệu để cho biết phạm vi sử dụng của máy. 

Ví dụ nếu ở cuối ký hiệu có chữ - máy có độ chính xác cao, ỉ- máy vạn năng mở rộng, chữ (I)- máy điều khiển theo chương trình số. Tất cả các loại máy phay đều thuộc nhóm 6 vì vậy số đầu tiên của ký hiệu là số 6. 

Con số thứ hai của ký hiệu chỉ kiểu máy. 

1- Máy phay đứng có bệ cong

2- Máy phay tác dụng liên tục

3- Máy phay ren bán tự động

4- Máy phay chép hình 

5- Máy phay đứng không bệ cong bàn máy hình chữ thập

6- Máy phay dọc  

7- Máy phay vạn năng

8- Máy phay ngang có bệ cong 

9- Các loại máy phay chuyên môn hoá khác 

Con số thứ ba của ký hiệu đặc trưng cho kích thước của bàn máy. Bàn máy phay có các cỡ sau: 

0- Kích thước bàn máy 200 x 800

1- Kích thước bàn máy 250 x 1000

2- Kích thước bàn máy 320 x 1250 

3- Kích thước bàn máy 400 x 1 600

4- Kích thước bàn máy 500 x 2000

5- Kích thước bàn máy 650 x 2500

Ví dụ: Máy 682 là máy phay ngang có bệ cong

Máy 6H82 là máy phay ngang có bệ cong được cải tiến từ máy 682

- Máy 6P12 là máy phay đứng có bệ cong kích thước bàn máy 320 x 1250mm

- Máy 6M42K là máy phay chép hình có kích thước bàn máy 320 x 1250mm

- Máy 675ẽ là máy phay vạn năng thông thường

- Máy 6P82ỉ là máy phay vạn năng mở rộng có bệ cong kích thước bàn máy 320 x 1250mm

  Ký hiệu máy phay Việt nam cũng tương tự ký hiệu máy phay của Nga chỉ khác ở đầu ký hiệu có chữ cái tiếng việt. 

Ví dụ:- P12 là máy phay đứng có bệ cong kích thước bàn máy 320 x 1250mm

- P80 là máy phay ngang có bệ cong kích thước bàn máy 200 x 800mm

Nhìn vào cách tính liệu chúng ta có thể thấy rất nhiều chủng loại, Hãy cùng của lốc công nghệ HCV tìm hiểu cách phân loại máy Phay nhé. 

4. Phân loại Máy phay

Căn cứ vào khối lượng, tính chất vạn năng, độ chính xác, mức độ tự động hoá của máy phay, người ta phân loại máy phay ra các loại như sau:

4.1 Theo trọng lượng của Máy phay chia ra các loại từ nhẹ đến lớn

Máy hạng nhỏ (nhẹ), máy hạng trung, máy hạng lớn và máy hạng nặng. Máy hạng nhỏ thường dùng trong ngành cơ khí  theo độ chính xác gia công: chia ra máy chính xác bình thường, máy chính xác vừa, máy chính xác cao. Máy chính xác cao thường có thiết bị quang học kèm theo và được đặt trong môi trường đã được điều hoà nhiệt độ. 

4.2 Theo trình độ vạn năng của Máy phay

Theo khả năng làm được nhiều loại việc khác nhau chia ra: máy thông dụng, máy vạn năng, máy tự động và bán tự động,máy đặc biệt. .

Máy thông dụng có tương đối nhiều công dụng đáp ứng các loại việc thường gặp ở bất kỳ xưởng cơ khí nào. Máy vạn năng về cơ bản giống máy thông dụng, nhưng cấu tạo hoàn chỉnh hơn để có thể làm được một số loại việc phức tạp rất thích hợp với công việc đa dạng trong các xưởng chế thử, xưởng dụng cụ, xưởng sửa chữa. 

 Máy đặc biệt là loại máy chuyên làm một số loại việc nhất định với năng suất  và độ chính xác cao hơn so với khi làm ở máy thông dụng, thao tác và bảo dưỡng cũng đơn giản hơn. Máy đặc biệt gồm: Máy chuyên môn hoá làm được một loại việc cơ bản nhất định với kích thước khác nhau (máy chuyên gia công răng, máy chuyên gia công rãnh then. . . ). Máy chuyên dùng có công dụng rất hẹp chỉ làm được một nguyên công trên một loại chi tiết đã xác định. 

Một số loại máy phay  của Nga. 

- Máy phay đứng không bệ cong. 

  Ở các máy phay đứng không bệ cong bàn máy hình chữ thập được gắn trên thân máy cố định và có thể dịch chuyển theo 2 phương dọc và ngang. Trên các máy như vậy có thể gia công các chi tiết có kích thước và trọng lượng lớn trong điều kiện sản xuất đơn chiếc và sản xuất hàng loạt. Việc gia công được thực hiện chủ yếu bằng đầu dao gồm nhiều dao phay mặt đầu và bằng cả các dao phay trụ, dao phay định hình (Hình 1. 2) 

scan0008

Hình 1. 2 Máy phay đứng không bệ cong

Do công suất, độ cứng vững và số vòng quay của máy cao, nên các máy này có thể phay với tốc độ cao bằng các đầu dao mặt đầu hợp kim cứng. 

Chuyển động chạy dao dọc và ngang của bàn máy được thực hiện bằng các  động cơ một chiều có thể điều chỉnh vô cấp số vòng quay. Việc điều chỉnh vô cấp trong phạm vi rộng cho phép chọn giá trị tối ưu của lượng chạy dao trong một phút. 

Để việc điều khiển thuận tiện và giảm thời gian phụ, trên các  máy người ta bố trí: điều khiển tất cả các chuyển động của máy từ một cần điều khiển riêng; thay đổi các số vòng quay của trục chính bằng một tay quay chạy bằng thuỷ lực ; thay đổi vô cấp lượng chạy dao bằng một tay quay trên cần điều khiển. 

Hành trình chạy nhanh của bàn máy theo phương dọc, ngang và của trục chính (đầu dao) theo phương thẳng đứng; hãm trục chính bằng điện để việc di chuyển của bàn máy được chính xác người ta thiết kế cơ cấu chạy dao. 

Các máy này có thể làm việc theo chu kỳ nửa tự động với các hành trình  nhanh, thuận, nghịch, hành trình làm việc và dừng bàn máy ở các vị trí cần thiết. Ở Nga chế tạo hàng loạt máy công cụ có mặt bàn hình chữ thập có kích thước 630, 800 và 1000 mm. Như máy phay không bệ cong 6A56, 6A59. Trên cơ sở những kiểu máy này ngành công nghiệp Nga lại chế tạo ra những máy công cụ có số chỉ báo, được điều khiển theo chương trình số. 

- Máy phay giường (dọc). 

Máy phay giường là gì? dùng để gia công chi tiết thế nào? 

Các máy phay này dùng để gia công các chi tiết dạng thân máy hoặc các chi tiết lớn bằng gang, thép, kim loại màu và các hợp kim khác trong điều kiện sản xuất đơn chiếc và sản xuất hàng loạt. 

Dụng cụ dùng chủ yếu là các dao phay mặt đầu hợp kim cứng và cả các dao phay hình trụ, dao phay ngón và các loại dao phay khác. Loại máy phay này có công suất lớn và độ cứng vững cao cho nên có thể gia công với tiết diện cắt lớn. Chiều rộng của bàn máy nằm trong khoảng từ 3200- 5000 mm. 

Máy phay dọc có các kiểu: Máy phay dọc một trụ đứng, máy phay dọc hai trụ đứng và máy có nhiều trục chính. Tất cả các  máy phay dọc hiện đại đều có đặc điểm là sử dụng và bảo dưỡng thuận tiện, có độ chính  xác và năng suất  cao. 

Loại máy phay dọc có cần điều khiển từ xa, có cơ cấu kẹp chặt cơ khí các bộ phận di động, thoát ra tự động trong quá trình chạy nhanh của bàn máy, điều chỉnh vô cấp từ xa tốc độ và lượng chạy dao (đối với các máy có bàn rộng từ 5000 mm trở lên), có hệ thống thoát phoi từ vùng cắt. 

Trên các máy lớn được trang bị các cơ cấu để gá các dao lớn, các đầu dao phay góc, các cơ cấu để tính lượng dịch chuyển của bàn máy. Đối với các  máy có chiều rộng bàn máy 3200- 5000 mm có thể thực hiện các nguyên công bào, khoan và doa lỗ. 

Máy phay- bào (phối hợp) được chế tạo trên cơ sở máy phay dọc và máy bào dọc. Chiều rộng mặt bàn của các máy này từ 1000- 3200 mm và chiều dài từ 3000- 16 000 mm. Chúng dùng để gia công các chi tiết dạng thân máy và các chi tiết lớn trong sản xuất đơn chiếc và hàng loạt nhỏ. Máy có một vài bàn gá dao bào và đầu phay. Phần lớn máy được trang bị cơ cấu chỉ báo bằng số và chọn trước các  toạ độ. Trên các loại máy này có thể gia công thô và gia công tinh các bề mặt nằm ngang, đứng và nghiêng. Bào, phay và các nguyên công khác được thực hiện tuần tự tiếp theo nhau mà chỉ một lần gá phôi, nhờ đó giảm hẳn thời gian phụ. 

- Máy phay chép hình. 

  Trong sản xuất hàng loạt lớn và hàng khối các chi tiết có hình dạng phức tạp như các khuôn rèn, dập, khuôn ép, các cánh quạt tuabin. . . được gia công trên các  máy phay chép hình bằng dao phay ngón người ta phân biệt hai dạng phay chép hình. Phay chép hình biên dạng và phay chép hình thể tích. 

Trong quá trình phay chép hình biên dạng, dao phay hoặc chi tiết gia công phải thực hiện đồng thời chuyển động theo hai phương x và y (dọc và ngang) theo chương trình đã định (đường cong chép hình). Để đảm bảo cho đường chuyển  động của biên dạng được chính xác, tốc độ tổng hợp của thước thăm dò (còn gọi là lượng chạy dao chép hình) phải luôn luôn hướng theo tiếp tuyến của biên dạng. Các thành phần của tốc độ này: lượng chạy dao dọc (chủ động) Sx và lượng chạy dao ngang (đi theo) Sy phải tỷ lệ với Sin và Cos của góc nghiêng, nghĩa là:

Sx = S. Sinα

Sy = S. Cosα

Điều kiện này được đảm bảo nhờ một cơ cấu chuyên dùng, đó là bộ phân phối theo hình sin. Trong quá trình phay chép hình thể tích, mặt định hình không gian phức tạp được gia công bằng từng hành trình một của dao phay ngón có các răng lượn tròn ở mặt đầu. Trong khi gia công mỗi hành trình như vậy, tại mỗi tiết diện của chi tiết gia công, dao phay dịch chuyển dọc prôphin theo hướng trục x (lượng chạy dao dọc Sx). Trong quá trình dịch chuyển theo phương dọc, dao phay cũng thay đổi vị trí theo hướng trục y (chạy dao ngang Sy). Để chuyển hành trình gia công từ tiết diện này sang tiết diện khác, dao phay phải tuần tự dịch chuyển theo hướng trục Z (hướng chạy dao đứng Sz). Sự dịch chuyển này gọi là chạy dao theo dòng Sz. (hình 1. 3) 

Các máy phay chép hình đều có cơ cấu chủ động (mẫu chép hình, dưỡng, chi tiết mẫu, bản vẽ, mô hình. v. v. ) qua cơ cấu chép hình (thước thăm dò, ngón chép hình, con lăn chép hình, tế bào quang điện) liên kết với bộ phận chấp hành. Bộ phận chấp hành này lặp lại chuyển động của cơ cấu chép hình để tạo lại cho dao một chuyển động theo mẫu của cơ cấu chủ động. 

scan0010

Hình 1. 3 Máy phay chép hình

Các máy phay chép hình làm việc theo hai sơ đồ: sơ đồ không theo hệ thống tuỳ động và sơ đồ theo hệ thống tuỳ động (hệ thống tuỳ động còn gọi là hệ thống theo dõi). Trong hệ thống thứ nhất, sự thích ứng giữa các vị trí của thước thăm dò với mẫu chép hình được thực hiện nhờ mối liên kết cứng giữa cơ cấu chủ động và cơ cấu chấp hành. 

Ở hệ thống thứ hai có cơ cấu đi theo trong hệ thống chấp hành lệnh. Trong cơ cấu chủ động có phát ra tín hiệu điều khiển và các tín hiệu này được  truyền đến cơ cấu đi theo. 

Cơ cấu này sẽ so sánh chương trình đã định với chương trình thực hiện, nếu có sự khác nhau thì tín hiệu sẽ truyền đến cơ cấu chấp hành để chỉnh lại quỹ đạo chuyển động của dao. Máy phay chép hình với hệ tuỳ động còn có đặc điểm là có bộ khuếch đại mà các máy khác không có. Khác với các máy phay  chép hình  cơ khí, trong đó lực cắt tác dụng trực tiếp lên mẫu chép hình, còn ở các  máy chép hình tuỳ động cơ cấu tuỳ động (thước thăm dò) trong khi di chuyển  theo mẫu chép hình, chỉ phát tín hiệu cho bộ phận chấp hành và từ đó bộ phận chấp hành thực hiện các chuyển động tương ứng cho các bộ phận công tác của máy. Vì vậy cơ cấu chép hình tuỳ động làm việc với áp lực lên mẫu chép hình (dưỡng hoặc mô hình) rất nhỏ, cho nên có thể chế tạo các mẫu chép hình đơn giản và rẻ tiền và có thể gia công được các đường phức tạp chính xác của prôphin định hình. áp lực nhỏ của cơ cấu tuỳ động nên mẫu chép hình đảm bảo độ chính xác và chất lượng bề mặt gia công cao, đồng thời cũng cho phép gia công với chế độ cắt tối ưu. Máy phay chép hình có hệ thống chép hình cơ điện và thuỷ lực là loại được sử dụng rộng rãi nhất. 

Máy phay- khắc- chép hình bằng cơ cấu vẽ truyền 6Ã463, 6464 dùng để thực hiện các công việc khắc hình và phay chép hình nhỏ, tiến hành theo hai toạ độ (phay biên dạng). Trên các máy phay này có thể phay dưỡng nhỏ, thước cong, khuôn ép cao su và chất dẻo. . . cũng như khắc chữ số chữ đề và hoa văn trên khuôn dấu, vành chia độ, bảng. . v. v. Để chép hình trong phạm vi quy định, người ta sử dụng mật thiết riêng gọi là cơ cấu vẽ truyền. Thực hiện chuyển động chép hình trên máy phay bằng cách di chuyển chốt dò theo biên dạng của mẫu. 

Máy phay đứng công xôn có thiết bị chép hình. Những máy này được chế tạo trên cơ sở những máy phay vạn năng. Hiện nay đang sản xuất hàng loạt các máy phay chép hình kiểu 6P11K, 6P12K, 6P13K. Các máy này dùng để gia công bằng phương pháp chép hình các bề mặt không gian định hình phức tạp: khuôn, khuôn nén. v. v. Gia công tiến hành theo dưỡng, đầu mút của thiết bị chép hình dò tìm theo đường viền của các dưỡng này. Để thực hiện công việc chép hình người ta áp dụng dao phay ngón, dao phay lồi nửa tròn và dao phay trụ. Các máy có thiết bị chép hình cũng sử dụng được như các máy phay công xôn thông thường. 

Máy phay ngang chép hình để gia công khối. Đó là các máy 6A433 và 6A445 có trục chính nằm ngang và trụ đứng cố định. Máy dùng để gia công các chi tiết có hình không gian phức tạp. Để điều khiển máy người ta sử dụng dưỡng (nguyên mẫu sản phẩm hoặc một phần của nó) dưỡng này được chế tạo đúng kích thước thật. Hệ thống điều khiển chạy dao nhận tín hiệu (thông tin) về dưỡng từ thiết bị chép hình. Thiết bị này dò tìm bề mặt của dưỡng theo một trình tự cho trước. Điều khiển chạy dao theo ba chế độ: dòng, biên dạng và ba chiều. 

Máy phay dụng cụ vạn năng thông dụng. Loại máy này dùng để thực hiện những công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Do có trục chính nằm ngang và trục chính đứng quay được cũng nhờ có số lượng lớn đồ gá, nên máy mang tính chất vạn năng, rất tiện sử dụng trong các phân xưởng dụng cụ để chế tạo các thiết bị công nghệ, dụng cụ, khuôn dập, khuôn nén và các sản phẩm khác nữa. 

Những máy phay vạn năng thông dụng gồm các loại máy sau đây 675ẽ, 676 ẽễ1. Hệ thống này cải tiến rất nhiều khả năng bảo dưỡng tăng năng suất và mức chính xác gia công. Ở các máy này bàn máy chính là bàn máy đứng trên đó lắp đồ gá để lắp chặt phôi gia công hoặc lắp trực tiếp phôi gia công. Ngoài bàn máy đứng chính và bàn máy nằm ngang, còn bố trí việc lắp gắn các bộ phận: Bàn góc vạn năng, bàn tròn, đầu chia độ, đầu chạy nhanh, đầu mài, đồ gá phay xoắn ốc. v. v. 

- Các bộ phận chính của máy phay có bệ cong

Máy phay ngang có bệ cong có đặc điểm thế nào?

Đặc điểm của máy phay loại này là có trục chính nằm ngang và có ba chuyển  động vuông góc với nhau: chuyển động dọc, chuyển động ngang và chuyển động thẳng đứng. Máy phay ngang lại chia ra làm hai loại, loại đơn giản và loại vạn năng. Ở các máy phay ngang vạn năng ngoài những chuyển động nói trên, bàn máy có thể quay xung quanh trục thẳng đứng một góc 450 về hai phía. Để hiệu chỉnh bàn máy đến một góc độ nào đó đối với trục chính, người ta sử dụng bộ phận quay có khắc độ (nằm giữa các sống trượt và bàn máy). 

Trên hình 1. 4 trình bày dạng tổng quát của các máy phay ngang có bệ cong 6P82, 6P82Ã, 6P83. Những bộ phận chính của máy là thân máy 1, tủ để chứa các dụng cụ điện 2, hộp tốc độ 3, hộp điều chỉnh 4, nắp trên của máy 5, bàn máy và sống trượt, bệ cong 7, và hộp chạy dao 8. Thân máy dùng để kẹp chặt tất cả các bộ phận và cơ cấu của máy. 


Các bộ phận chính của máy 6P82, 6P83

 Hình 1. 4 Các bộ phận chính của máy 6P82, 6P83

Nắp trên của máy dịch chuyển theo thanh trượt trên của thân máy và dùng để giữ vững đuôi của trục gá dao (nhờ giá đỡ). Các vòng có thể di chuyển theo các thanh trượt của nắp trên và được kẹp bằng đai ốc. Nên nhớ rằng, không được chuyển các giá đỡ từ máy này sang máy khác. Phần chìa ra của nắp trên có thể điều chỉnh dài, ngắn khác nhau. Để tăng độ cứng vững kẹp chặt nắp người ta dùng một cơ cấu gắn liền nắp máy với bệ cong của máy. 

Bệ cong (công xôn) là chi tiết đúc dạng hộp có các thanh trượt thẳng đứng và nằm ngang. Bệ cong được các thanh trượt thẳng đứng gắn với thân máy và chuyển động theo phương thẳng đứng còn sống trượt thì chuyển động theo các  thanh trượt nằm ngang. Bệ cong được kẹp trên các thanh trượt bằng cơ cấu kẹp chuyên dùng. Bệ cong là bộ phận cơ sở của máy, giữ mối liên kết giữa tất cả các bộ phận tạo ra chuyển động chạy dao dọc, ngang và thẳng đứng. Dưới bệ cong có một trục vít để nâng lên hạ xuống. 

Bàn máy được gắn và chuyển động dọc theo sống trượt. Trên bàn máy có lắp đồ gá, các cơ cấu kẹp chặt và chi tiết gia công. Để thực hiện việc gắn các cơ cấu ấy trên bề mặt công tác của bàn máy có các rãnh hình chữ T. 

Sống trượt là một bộ phận trung gian giữa bệ cong và bàn máy. Bàn máy dịch chuyển dọc theo sống trượt trên, còn phần dưới của sống trượt cùng với bàn máy dịch chuyển theo phương ngang (theo thanh trượt trên của bệ cong). Trục chính của máy phay có tác dụng truyền chuyển động quay từ hộp tốc độ tới dao phay. Độ chính xác gia công phụ thuộc nhiều vào trục chính quay có chính xác hay không, là nhờ vào độ cứng vững và độ chịu rung của nó. 

Hộp tốc độ có tác dụng để truyền cho trục chính những số vòng quay khác nhau. Hộp tốc độ đặt bên trong thân máy và được điều khiển bằng bộ phận sang số. Bộ phận sang số cho phép chọn một tốc độ bất kỳ mà không cần tuần tự mở các tốc độ trung gian. 

Hộp chạy dao dùng để tạo ra lượng chạy dao và các chuyển động nhanh của bàn máy sống trượt và công xôn. 

- Máy phay đứng có bệ cong. 

Là loại máy phay có trục chính theo phương thẳng đứng. Những bộ phận chính của loại máy này gồm có: thân máy, đầu quay, bệ cong, hộp tốc độ có gắn trục chính, bộ phận sang số, hộp chạy dao, các bộ phận điện, bàn máy và sống trượt. Công dụng của các bộ phận này cũng giống như loại máy phay có trục nằm ngang. Nhưng ở máy phay đứng không có nắp máy phía trên. Đầu quay được gắn vào thân máy và có thể quay được các góc từ 0- 450 về hai phía trong mặt phẳng đứng. Trên hình 1. 5 trình bày các bộ phận điều khiển của một số loại máy phay đứng có bệ cong 6P12, 6P13. 

Để điều khiển máy người ta có thể dùng các công tắc hoặc tay quay. Những chuyển động chính của máy có thể điều khiển ở ngay phía trước hoặc mặt bên của máy, người công nhân đứng máy chỉ được phép đóng, mở các công tắc nằm ở mặt ngoài tủ điện. Chỉ có thợ điện mới được phép mở tủ điện khi máy hỏng. 

5. Điều khiển Máy phay như thế nào?

Trước khi sử dụng máy phay, cần nghiên cứu kỹ các bộ phận của máy, làm quen với sách chỉ dẫn cách sử dụng và bảo dưỡng máy. 

Trước khi mở máy, phải lau sạch bụi và phoi ở các thanh trượt của máy, kiểm tra cẩn thận các hệ thống bôi trơn và làm nguội. Trước lúc lắp trục gá hoặc dao phay lên trục chính, hãy lau sạch trục gá và lỗ côn của trục chính độ đảo của trục chính không được vượt quá trị số cho phép. 

Cần đặc biệt chú ý đến tình trạng bề mặt của bàn máy. Trước lúc gá ê tô hay chi tiết lên bàn máy, phải lau sạch bụi và phoi ở bàn máy. Không được đặt lên bàn máy những dụng cụ và những vật không dùng đến để tránh gây hỏng bề mặt bàn máy (các vết xước). Khi gia công chi tiết với lượng chạy dao dọc cần phải kẹp chặt công xôn và sống trượt để tăng độ cứng vững cho máy và đảm bảo độ ổn định khi phay (tránh rung động). Cũng cần phải kẹp chặt công xôn khi gia công chi tiết với lượng chạy dao ngang. 

Việc tra dầu liên tục cho các bộ phận cọ sát của máy có một ý nghĩa to lớn đối với vấn đề an toàn và tuổi thọ của máy. Hàng ngày sau một ca làm việc cần phải lau sạch phoi và bụi trên máy, lau khô các thanh trượt và bàn máy và tra lên một lớp dầu mỏng. 

Hiểu biết sử dụng máy một cách đúng đắn sẽ tăng năng suất lao động, tăng tuổi thọ của máy và chất lượng gia công. Tuổi thọ của máy phụ thuộc phần lớn vào điều kiện sử dụng nó. Để bảo quản máy khỏi bị hỏng, khi vận chuyển máy phải tuân thủ các quy tắc đóng hòm, vận chuyển và dịch chuyển máy. Chất lượng làm việc của máy phụ thuộc vào việc đặt máy trên móng có chính xác hay không. Để bảo đảm máy làm việc êm và chính xác cần phải xây móng bê tông. Chỉ đặt máy lên móng sau khi vữa xi măng đã hoàn toàn cứng lại. 

Mỗi máy trong xưởng đều có lý lịch kèm theo, lý lịch do nơi chế tạo cấp và được lưu trữ tại phòng cơ điện. 

Lý lịch máy là tài liệu kỹ thuật cơ bản, chứa đựng tất cả những đặc tính của máy. Trong lý lịch chỉ rõ loại máy, kiểu máy, nhà máy chế tạo, năm sản xuất v. v. Có ảnh chụp bề ngoài của máy kèm theo bảng kê các bộ phận điều khiển. Trong phần những thông số chính của máy ghi rõ các kích thước cơ bản và khối lượng của máy, kích thước của bàn máy, trục chính của thân máy, ghi rõ các dụng cụ và đồ gá kèm theo để điều chỉnh và sử dụng máy, cách sửa chữa v. v. 

Trong phần cơ học máy ghi các thông số cơ học của chuyển động chính (số vòng quay của trục chính trong một phút, công suất của động cơ) và của chuyển động chạy dao (lượng chạy dao của bàn máy mm/ph dọc, ngang và thẳng đứng, chạy dao nhanh). Ngoài lý lịch của máy, đối với mỗi máy còn kèm theo bản hướng dẫn cách sử dụng. Bản hướng dẫn này được bảo quản tại phòng cơ điện hoặc tại nơi làm việc. 

Trong bản hướng dẫn ngoài những thông số có trong lý lịch máy còn chỉ dẫn cách vận chuyển và tháo hòm máy, cách đặt máy lên móng, bôi trơn máy, làm nguội dao khi cắt. v. v. Trong bản hướng dẫn có cả sơ đồ động của máy với các bản kê các loại bánh răng, bánh vít, trục vít và thanh  răng, mô tả kết cấu của máy và các bộ phận của chúng, cách điều chỉnh và hiệu chuẩn máy, quy tắc làm việc điều chỉnh và bảo dưỡng các thiết bị điện. v. v. ở cuối bản hướng dẫn có kèm theo các bản vẽ về những chi tiết chóng mòn. 

 Các bộ phận điều khiển máy phay đứng 6P12, 6P13. 

1. Công tắc dừng máy

2. Công tắc chạy máy

3. Mũi tên chỉ các tốc độ của trục chính

4. Nút chỉ tốc độ của trục chính 

5. Công tắc " bàn máy chạy nhanh" 

6. Công tắc "thử máy"

7. Công tắc ánh sáng (bật, tắt đèn) 

8. Nút điều khiển đầu quay

9. Tay kẹp ống lót trục chính 

10. Đĩa xích của cơ cấu điều khiển chu trình động

11. Tay gạt mở chuyển động dọc của bàn máy

12. Cơ cấu kẹp bàn máy

13. Tay quay  tạo chuyển động dọc của bàn máy bằng tay

14. Công tắc bàn máy chạy nhanh

15. Công tắc chạy máy 

16. Công tắc dừng máy

17. Công tắc tạo chuyển động dọc của bàn máy bằng tay hoặc tự động

18. Tay quay tạo chuyển động ngang của bàn máy bằng tay

19. Vành chia của cơ cấu tạo chuyển động ngang của bàn máy

20. Vòng du xích

21. Tay quay tạo chuyển động của bàn máy theo phương thẳng đứng

22. Công tắc định vị cơ cấu mở hộp chạy dao

Hình 1. 5 Các bộ phận điều khiển của máy phay 6P12, 6P13

23. Vòng ngoài của cơ cấu mở hộp chạy dao

24. Nút chỉ lượng chạy dao

25. Mũi tên chỉ lượng chạy dao

26. Tay gạt mở cơ cấu chạy dao ngang và thẳng đứng của bàn máy

27. Cơ cấu kẹp sống trượt trên các thanh trượt của công xôn

28. Tay gạt mở chuyển  động dọc của bàn máy

29. Tay gạt mở cơ cấu chạy dao ngang và thẳng đứng của bàn máy

30. Tay quay tạo chuyển động dọc của bàn máy bằng tay

31. Công tắc tạo chiều  quay (phải- trái) của trục chính máy

32. Công tắc (đóng- mở) của dung dịch trơn nguội (nước tưới) 

33. Công tắc (đóng- mở) máy

34. Tay quay sang số tốc độ của trục chính máy

35. Công tắc điều khiển máy (tự động hoặc bằng tay) và bàn tròn

36. Cơ cấu kẹp công xôn vào thân máy

37. Vô lăng dịch chuyển ống lót trục chính 

38. Cơ cấu kẹp chặt đầu máy vào thân máy

Như vậy bạn đã cùng Blog Công nghệ HCV tìm hiểu về "Đặc điểm, Khả năng công nghệ, cách phân loại máy phay vạn năng"

Bài trước: Đồ gá để định vị và kẹp chặt chi tiết

Bài tiếp: PHAY MẶT PHẲNG TRÊN MÁY PHAY CNC DÙNG HỆ ĐIỀU KHIỂN SIEMENS  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hãy bình luận bằng tiếng Việt có dấu và Luôn tôn trọng người dùng khác, bạn nhé.

Được xem nhiều nhất All