Cùng với máy Tiện (Lathe), máy Phay (Mill) là một máy công cụ cắt gọt thông dụng và hiệu quả trong gia công cắt gọt. Hãy cùng Blog Công nghệ HCV tìm hiểu về Đặc điểm, khả năng công nghệ của phương pháp phay và phân loại máy phay nhé.
Tải file bài viết này Nếu cần, bạn có thể tham khảo Cách tải file tài liệu trên Blog Công Nghệ HCV về máy tính tại đây nhé.
Tìm hiểu chung về Máy phay vạn năng
1. Đặc điểm của phương pháp phay
Phay là một phương pháp gia công cắt gọt kim loại có năng suất cao, làm được nhiều việc khác nhau đạt độ chính xác cấp 2, độ nhám bề mặt cấp 6 do đó được sử dụng rộng rãi trong ngành chế tạo máy. Trong tổng khối lượng công việc gia công cắt gọt, phay chiếm trên 10%. Riêng về gia công mặt phẳng, phay là phương pháp có năng suất cắt gọt cao và ngày càng được sử dụng nhiều, có khả năng thay thế hoàn toàn cho phương pháp bào.
Dao phay (Tool) thuộc loại dụng cụ cắt dạng trụ có nhiều răng (răng ở mặt trụ hoặc ở mặt đầu). Mỗi răng dao thực chất là một con dao đơn giản (dao tiện) nằm theo hướng kính (hình 1. 1)
Một số loại Dao phay trụ, dao phay ngón
Chuyển động quay tròn của dao phay là chuyển động chính. Chuyển động thẳng của phôi theo các phương dọc, ngang, lên xuống là chuyển động chạy dao. Chuyển động chạy dao theo ba phương này độc lập với nhau và cũng có thể điều khiển phối hợp bằng tay khi cần. Ngoài ra có trường hợp phôi quay tròn tại chỗ hoặc vừa quay vừa chuyển động thẳng với tỷ lệ được tính toán. Khi làm việc từng răng dao lần lượt thay nhau cắt gọt trong một thời gian rất ngắn sau đó được làm mát trong một thời gian dài ở ngoài không khí (thường được tưới dung dịch trơn nguội) nhờ vậy dao rất lâu mòn, có thể làm việc trong các điều kiện cắt gọt khó khăn (tốc độ cắt cao, lượng chạy dao lớn, cắt phoi dày, cắt không tưới).
Cũng do cách cắt gọt bằng dao nhiều răng nên phoi đứt đoạn, đảm bảo an toàn cho người thợ hơn là khi cắt ra phoi dây.
Trong khi bào, xọc bắt buộc phải có hành trình chạy không (không cắt gọt khi lùi dao) thì trên máy phay có thể tận dụng khả năng cắt gọt cả hành trình trở về nhờ đó năng suất lao động cao. Trên máy phay còn có điều kiện thuận lợi để áp dụng các phương pháp làm việc tiên tiến giảm thời gian phụ và giảm cả thời gian máy (ví dụ phay đồng thời nhiều chi tiết, phay đồng thời nhiều dao phay tự động. . . )
Nhược điểm khá quan trọng của công nghệ phay là xét ở từng răng dao thì điều kiện do lực cắt lớn vì lưỡi cắt thường xuyên bị va đập vào bề mặt phôi, do đó, dễ gây sứt mẻ dao. Máy cũng chịu ảnh hưởng xấu của tình hình lực cắt và công suất tiêu thụ thay đổi từng lúc khác nhau.
Hình 1. 1 Quá trình cắt khi phay
Trong phương pháp phay thông thường (phay nghịch). Lưỡi dao tì trượt một quãng trên bề mặt đang gia công rồi mới cắt thành phoi, do đó dao mau mòn, mau nóng (giảm tính năng cắt gọt). Đồng thời làm chai cứng bề mặt gia công gây khó khăn cho việc cắt gọt của các răng sau.
Một nhược điểm nữa của dao phay là phí tổn sản xuất tương đối cao vì máy cũng như dao phay thường có cấu tạo phức tạp, giá thành cao.
Để phát huy các ưu điểm và hạn chế các nhược điểm nói trên, cần có những cải tiến máy phay, về dao phay, đồ gá và áp dụng các phương pháp phay tiên tiến.